Công nghệ blockchain sẽ thay đổi mọi thứ: ngành vận tải, hệ thống tài chính, chính phủ… Chà, chắc bạn đã nghe về những điều trên từ rất lâu rồi, 3 năm hay 5 năm dễ có khi. Nhưng chúng ta đang ở đây, những ngày cuối cùng của thập kỷ đầu tiên mà thế giới biết đến bitcoin & blockchain, chúng ta vẫn hoài nghi như cách đây 3 năm 5 năm. Có bao giờ bạn đặt ra câu hỏi, nếu Blockchain thay đổi được nhiều thứ như vậy, đâu là điều sẽ không thay đổi? Có phải chăng Blockchain là một giải pháp đang đi tìm kiếm vấn đề để giải quyết.
Một bài viết chuyên sâu và đầy thú vị về chặng đường phát triển của công nghệ blockchain của tác giả Sjoerd Knibbeler, đăng trên De Correspondent, được dịch bởi Hannah Kousbroek từ tiếng Hà Lan, biên tập và chuyển ngữ bởi đội ngũ Coin68.
Trước một biển các lập trình viên ngồi trên ghế xếp, chăm chú vào những chiếc máy tính xách tay để trên bàn, một người đàn ông xuất hiện trên sân khấu dưới ánh sáng xanh mờ ảo.
“Bảy trăm chuyên viên blockchain”, người đàn ông gào vào mặt khán giả. Anh ta chỉ vào từng lập trình viên trong phòng. “Máy học máy (Machine-to-machine learning)” Và sau đó, anh ta tiếp tục hét lên: “Chuyển đổi năng lượng! Sức khỏe! An toàn và an ninh công cộng! Tương lai của lương hưu! ”
Đó là Blockchaingers Hackathon 2018 ở Groningen, Hà Lan. Và nếu xem video về sự kiện này, bất cứ ai cũng có thể cảm thấy có điều gì đó thực sự rất lớn, rất quan trọng đang xảy ra ở đây, theo lời các diễn giả, rằng ngay tại đây, ngay bây giờ, trong căn phòng này, họ sắp tìm ra giải pháp có thể thay đổi “cuộc sống của hàng tỷ người”.
Và rồi Bộ trưởng Nội vụ Hà Lan, Raymond Knops đến, diện bộ đồng phục đúng kiểu của những gã lập trình viên: một chiếc áo hoodie đen. Ông ở đây với tư cách là một “người ủng hộ nhiệt thành”. “Mọi người đều cảm thấy rằng blockchain sẽ thay đổi chính phủ một cách mạnh mẽ,” Vị bộ trưởng nói.
“Tôi đã nghe nói nhiều về blockchain trong vài năm qua. À mà, ai lại chưa nghe cơ chứ? Thông tin về blockchain được phủ kín ở mọi nơi cơ mà.”
Nhưng chắc chắn rằng tôi không phải là người duy nhất nghĩ: ờ thì, lạy trời, toàn bộ cái thứ blockchain này là gì? Và cuộc cách mạng vĩ đại mà mọi người nói về nó là sao? Vấn đề nó có thể giải quyết là gì?
Yeah, tôi biết, giờ đã là cuối năm 2020, nhưng tin tôi đi, vẫn còn rất nhiều người đang thắc mắc những điều trên đấy.
Đó là lý do tại sao tôi cho ra đời bài viết này. Tôi có thể nói trước với bạn rằng, đó là một cuộc hành trình kỳ lạ chẳng đến đâu cả. Tôi chưa bao giờ thấy nhiều biệt ngữ khó hiểu và khó để mô tả đến vậy. Tôi chưa bao giờ thấy nhiều sự chú ý đến và đi nhanh như vậy. Và tôi chưa bao giờ thấy nhiều người đổ xô đi tìm kiếm một vấn đề khó khăn để có thể sử dụng giải pháp của họ đến như vậy.
Những cư dân của Zuidhorn, một thị trấn chỉ có dưới 8.000 người ở phía đông bắc Hà Lan, chẳng biết một tí gì về blockchain.
Đó là cho đến khi một công chức của thị trấn phát biểu: “Những gì chúng tôi biết là nó (blockchain) đang đến và sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc sống nơi đây. Chúng tôi có thể ngồi lại và đợi, hoặc chọn tiến lên”.
Ở Zuidhorn, họ quyết định tiến lên. Một gói trợ cấp hộ nghèo cho trẻ em sẽ “được đưa vào blockchain”. Maarten Velthuijs, một sinh viên và cũng là một người đam mê blockchain, đã có cơ hội làm việc tại dự án này.
Công việc đầu tiên của anh ấy là giải thích cho mọi người blockchain là gì. Khi tôi hỏi anh ấy, anh ấy nói rằng đó là “một loại hệ thống không thể bị dừng lại”, rằng nó “mang một sức mạnh của tự nhiên”, hay đúng hơn, “một thuật toán đồng thuận phi tập trung”. OK, thật khó để giải thích, cuối cùng thì anh ấy cũng nhượng bộ. “Tôi đã nói với Zuidhorn:” Tôi sẽ làm cho ông một ứng dụng, sau đó ông sẽ hiểu “.
Và thế là anh ấy bắt tay vào làm.
Công việc đầu tiên của anh ấy là giải thích blockchain là gì cho những người dân bình thường … OK, thật khó để giải thích, cuối cùng anh ấy phải thừa nhận như vậy
Gói trợ cấp dành cho trẻ em mang đến cho các gia đình nghèo quyền có xe đạp, các chuyến đi đến nhà hát và rạp chiếu phim, v.v. Trong quá khứ, đó là cơn ác mộng của bộ máy hành chính, với hàng hà sa số biên lai và chứng từ. Nhưng nhờ ứng dụng của Velthuijs, mọi việc trở nên đơn giản: bạn quét mã trong cửa hàng, bạn nhận được xe đạp của mình và chủ cửa hàng nhận được tiền của họ.
Đột nhiên, thị trấn nhỏ bé này được tuyên bố là “nơi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ blockchain”. Zuidhorn nhận được sự chú ý lớn của giới truyền thông quốc gia và thậm chí cả những giải thưởng về công nghệ lẫn dịch vụ dân sự.
Những quan chức địa phương ngày càng trở nên nhiệt tình hơn. Họ xem Velthuijs và nhóm “sinh viên” của anh là những người đã định hình thế giới mới này. Nhưng thuật ngữ đó không thể hiện đủ sự tôn trọng. Ở Zuidhorn, một số người thậm chí đã gọi họ là “hạt nhân của sự thay đổi”.
Nó hoạt động như thế nào?
OK, OK, hạt nhân của sự thay đổi, cuộc cách mạng, thay đổi tất cả mọi thứ vân vân…
Nhưng blockchain là gì?
Về cốt lõi, blockchain là một bảng tính được tô vẽ thêm một số tính năng (kiểu như Excel với một bảng tính). Nói cách khác, một cách mới để lưu trữ dữ liệu. Trong cơ sở dữ liệu truyền thống thường có một người phụ trách, người đó quyết định ai có thể truy cập và nhập dữ liệu,đồng thời cũng có thể chỉnh sửa và xóa dữ liệu đó. Với Blockchain,không ai chịu trách nhiệm và bạn không thể thay đổi hoặc xóa bất kỳ điều gì, chỉ có thể xem và nhập dữ liệu.
Việc ứng dụng đầu tiên của blockchain, và cũng là ứng dụng nổi tiếng nhất – và thực tế là duy nhất – là bitcoin, loại tiền kỹ thuật số cho phép bạn chuyển tiền từ A đến B mà không cần sự tham gia của ngân hàng.
Cơ chế này hoạt động ra sao? Hãy tưởng tượng rằng tiền cần được chuyển từ A sang B. Các ngân hàng biết cách làm điều này. Tôi yêu cầu ngân hàng gửi tiền cho B. Ngân hàng thực hiện các kiểm tra cần thiết – Có đủ tiền trong tài khoản không? Số tài khoản có tồn tại không? – và khai thác vào cơ sở dữ liệu của chính nó: gửi tiền từ A cho B.
Điều này hơi phức tạp hơn với bitcoin. Bạn thông báo yêu cầu thanh toán thông qua một cuộc đối thoại khổng lồ: một bitcoin từ A cho B! Sau đó, có những người dùng (được gọi là thợ đào) thu thập các giao dịch khác nhau trong các khối nhỏ.
Để thêm các khối giao dịch này vào sổ cái blockchain công khai, các thợ đào phải giải một câu đố phức tạp (thực tế là, họ phải tìm ra một số rất lớn từ một danh sách rất dài các con số). Việc giải câu đố đó mất khoảng 10 phút – và nếu nó được giải nhanh hơn, chẳng hạn như vì mọi người sử dụng nhiều phần cứng hơn để giải câu đố, thì nó sẽ tự động trở nên khó hơn.
Sau khi câu đố được giải quyết, các thợ đào sẽ thêm các giao dịch vào phiên bản mới nhất của sổ cái blockchain, trong phiên bản mà họ đã lưu cục bộ. Họ sẽ đăng một thông báo vào cuộc trò chuyện: chúng tôi đã giải quyết nó, kiểm tra thử đi nè! Mọi người đều có thể xác minh rằng giải pháp trên là đúng và mọi người đều cập nhật sổ cái blockchain của riêng họ. Thì đấy! Giao dịch hoàn tất. Như một phần thưởng cho công việc của họ, những người khai thác nhận được một số bitcoin.
Ơ nhưng mà, câu đố là sao?
Tại sao lại có một câu đố? Nếu mọi người đều A theo đúng luật chơi, bạn sẽ không cần câu đố làm gì cả. Nhưng hãy tưởng tượng ai đó muốn dùng một số tiền 2 lần. Tôi nói với cả Hoàng và A: “Ê, tôi gửi ông 1 bitcoin này.”
Ai đó sẽ phải kiểm tra xem giao dịch đó có chính xác không. Và các thợ đào làm công việc mà một ngân hàng thường làm: họ quyết định xem một giao dịch nào đó có thể được thực hiện hay không?
Tất nhiên, một thợ đào có thể cố gắng lừa đảo hệ thống bằng cách đồng ý với tôi. Nhưng những người khác có thể phát hiện ra ngay nếu tôi dùng cùng một số tiền hai lần và họ có thể từ chối cập nhật blockchain. Vì vậy, người chơi sai luật dù đã bỏ rất nhiều công sức ra nhưng lại chẳng thu được gì. Và vì rất khó để giải ra con số, bạn cần phải tuân thủ các quy tắc.
Điều này là khá kém hiệu quả. Và sẽ đỡ phức tạp hơn rất nhiều nếu bạn tin tưởng ai đó quản lý dữ liệu của mình (ví dụ: ngân hàng). Nhưng đó chẳng phải là những gì Satoshi Nakamoto đứng lên chống lại hay sao? Ông không tin vào các ngân hàng – những người hoàn toàn có khả năng làm cho tiền bốc hơi khỏi tài khoản của bạn. Vì vậy, ông đã phát minh ra bitcoin.
Và bitcoin đã hoạt động, nó tồn tại, và theo thống kê mới nhất, có gần 1.855 loại tiền tệ giống bitcoin đang hoạt động.
Tuy nhiên, thành công của bitcoin không hề trọn vẹn. Tính đến thời điện hiện tại, vẫn có rất ít cửa hàng chấp nhận tiền kỹ thuật số. Tốc độ giao dịch rất chậm (đôi khi một giao dịch mất chín phút, đôi khi là chín ngày!), Rất nhiều rắc rối (bitcoin chưa bao giờ nổi tiếng về sự thân thiện với người dùng phổ thông cả) và rất không ổn định (yeah, mấy ngày cuối tháng 11 qua các bạn đều trải nghiệm điều đó rồi đấy).
Không chỉ vậy, môi trường phi tập trung hoàn hảo mà Nakamoto mơ ước, cụ thể là tránh được các bên thứ ba, vẫn còn xa tầm tay. Trớ trêu thay, việc vận hành mạng lưới giờ cũng đang nằm trong tay một số ít bể đào lớn trên thế giới.
Trong một bài viết thảo luận chuyên sâu về ngành công nghiệp tiền điện tử trước đây, Coin68 đã từng nhấn mạnh:
“Chữ B mà bạn nên quan tâm nên là (B)lockchain chứ không phải (B)itcoin”
Trong khi đó, Bloomberg ước tính ngành công nghiệp blockchain trên toàn thế giới vào khoảng 700 triệu USD (hơn 600 triệu Euro). Các công ty lớn như IBM, Microsoft và Accenture đã dành hẳn ra bộ phận dành riêng cho công nghệ mang tính cách mạng này. Ở Hà Lan, có tất cả các loại trợ cấp dành cho các kế hoạch đổi mới blockchain.
Vấn đề duy nhất là có một khoảng cách rất lớn giữa viễn cảnh hứa hẹn và thực tế. Tuy nhiên, có vẻ như các dự án blockchain trông đẹp nhất trên các bản thuyết trình gọi vốn., bởi vì hầu hết trong số chúng đều chết yểu, cũng theo nghiên cứu của Bloomberg. Cơ quan đăng ký nhà đất của Honduras đã có kế hoạch sử dụng blockchain, giờ kế hoạch đó vẫn đang nằm trên giấy. Nasdaq cũng ấp ủ những dự định lớn lao với blockchain, cũng chẳng có gì xảy ra cả. Ngân hàng Trung ương Hà Lan thì sao? Cũng không. Trong số hơn 86.000 dự án blockchain đã được khởi động, 92% đã bị bỏ rơi vào cuối năm 2017, Deloitte cho hay.
Nhưng tại sao cơ chứ?
Một người được khai sáng, sau đó đã trở thành nhà phát triển blockchain, Mark van Cuijk, giải thích một cách ngắn gọn: “Bạn có thể sử dụng xe nâng để mang một thùng bia bỏ lên quầy bếp nhà bạn. Nhưng cách đó lại không hiệu quả lắm. “
Không kể đến những vấn đề như quyền riêng tư (bao gồm cả quyền được lãng quên), vấn đề bảo mật hay ẩn danh trên mạng lưới, việc gần không thể đảo ngược được những sai lầm có thể gặp phải trong quá trình vận hành (đúng rồi đấy, con người sẽ mắc lỗi, không sớm thì muộn thôi) hay vấn đề lừa đảo và tiêu tốn năng lượng một cách quá lãng phí, chúng ta sẽ nói đến vấn đề lớn nhất ngăn cản blockchain làm được những gì nó được kỳ vọng.
Chúng ta hãy quay trở lại với câu hỏi đặt ra ở đầu bài viết: blockchain thực sự giải quyết được vấn đề gì? Được rồi, nếu dùng bitcoin, các ngân hàng không thể tự ý xóa tiền khỏi tài khoản của bạn. Nhưng điều này có thực sự xảy ra không? Bạn đã bao giờ nghe đến việc ngân hàng cứ tự nhiên lấy tiền ra khỏi tài khoản của ai đó chưa? Tôi thì chưa. Nếu một ngân hàng làm điều gì đó như vậy, họ sẽ bị lôi ra tòa và bị tước giấy phép ngay lập tức. Về mặt kỹ thuật thì có thể; về mặt pháp lý, đó chẳng khác nào một bản án tử hình.
Tất nhiên ở đâu cũng không thiếu những kẻ lừa đảo, nhân chi sơ tính bản ác là vậy. Nhưng hãy để ý mà xem, trong các vụ lừa đảo, vấn đề lớn nhất nằm ở nguồn cung cấp dữ liệu (ví như có ai đó đánh tráo một miếng thịt ngựa thành thịt bò), chứ không phải các bên quản lý dữ liệu (như một ngân hàng chịu trách nhiệm quản lý tiền của bạn).
Xét đến đề xuất tích hợp công nghệ blockchain vào cơ sở dữ liệu của Cơ quan Địa chính chẳng hạn, liệu nó có thể giải quyết những vấn đề ở các quốc gia với bộ máy chính quyền quan liêu? Ví dụ như Hy Lạp, nơi có đến 20% tòa nhà được xây dựng không phép. Tại sao tình trạng này lại xảy ra? Bởi vì người Hy Lạp cứ tự tiện xây nhà và các tòa nhà không có trong cơ sở dữ liệu của Cơ quan Địa chính cứ vậy mà mọc lên.
Vấn đề là blockchain chẳng thể làm gì để cải thiện vấn đề đó cả. Xin lưu ý, blockchain là một cơ sở dữ liệu – nó không phải là một hệ thống tự điều chỉnh để kiểm tra được tính đúng đắn của các dữ liệu đầu vào, chứ đừng nói đến một hệ thống yêu cầu ngừng hoạt động của các tòa nhà được xây dựng trái phép. Blockchain cũng hoạt động theo cơ chế tương tự bất kỳ cơ sở dữ liệu nào: Nếu dữ liệu đầu vào là rác, thì dữ liệu đầu ra cũng là rác.
Hay như cây bút Matt Levine của tờ Bloomberg đã viết: “Hồ sơ blockchain được mã hóa, không thể thay đổi, không thể sửa chữa được của tôi, thứ chứng minh rằng tôi có 10.000 cân nhôm trong nhà kho sẽ chả có tác dụng gì với ngân hàng nếu sau đó tôi tuồn toàn bộ số nhôm này ra khỏi nhà kho qua cửa sau”.
Dữ liệu phải phản ánh thực tế, nhưng đôi khi thực tế đã thay đổi mà dữ liệu không phản ánh kịp thời. Đó là lý do tại sao chúng ta có công chứng viên, giám sát viên, luật sư – tất cả những người đang làm những công việc nhàm chán mà blockchain nghĩ là có thể thay thế được.
À, thế còn câu chuyện về thị trấn Zuidhorn tiên phong ở trên, chẳng phải blockchain đã thành công ở đó hay sao?
Chà, cũng không hoàn toàn như vậy. Tôi đã xem qua GitHub của dự án – một trang web nơi các lập trình viên đăng tải chương trình của họ – và có rất ít điểm tương đồng với blockchain dưới lớp vỏ của ứng dụng kiểm tra viện trợ dành cho trẻ em. Nếu có gì giống với blockchain thì đó là một thợ đào lẻ loi đang làm việc trên một máy chủ duy nhất, không kết nối với internet, chỉ để nghiên cứu nội bộ. Nhưng thứ mà những gia đình sống trong cảnh nghèo khổ và những người chủ cửa hàng đang sử dụng là một ứng dụng rất đơn giản, sử dụng mã nguồn cơ bản, chạy trên một cơ sở dữ liệu cũng đơn giản không kém.
Tôi đã gọi cho Maarten Velthuijs.
– Này, tôi thấy rằng ứng dụng của anh không thực sự cần đến blockchain đâu.
Velthuijs: “Vâng, đúng vậy.”
– Nhưng có lạ không khi anh đã giành được tất cả các giải thưởng liên quan đến blockchain, mặc dù anh lại không thực sự sử dụng công nghệ này?
Anh ấy: “Vâng, kỳ lạ nhỉ.”
– Nhưng mà làm sao lại có chuyện đấy chứ?
Anh ấy: “Tôi cũng chả biết. Bọn tôi vẫn cố gắng giải thích điều đó với mọi người, nhưng chẳng ai hiểu hết. Giờ lại đến lượt anh gọi và nói với chúng tôi về chuyện này… ”
Zuidhorn không phải là ngoại lệ. Nếu xem xét kỹ lưỡng, bạn sẽ thấy tất cả những thử nghiệm blockchain hiện cũng chỉ có những ý niệm về blockchain.
Take My Care Log, một trong những thí nghiệm từng đoạt giải thưởng khác, lần này là về chăm sóc thai sản. Tất cả cư dân Hà Lan có con mới sinh đều được trợ cấp một khoản tiền chăm sóc thai sản nhất định. Cũng giống như gói viện trợ dành cho trẻ em ở Zuidhorn, đây là một cơn ác mộng của người dân với tệ nạn quan liêu, nhưng giờ đây có một ứng dụng trên điện thoại thông minh, nơi bạn có thể ghi lại mức độ chăm sóc mà bạn đã nhận được và xem bạn còn lại bao nhiêu.
Báo cáo cuối cùng cho thấy rằng Take My Care Log không sử dụng bất kỳ tính năng độc đáo nào của blockchain. Một vài bên thứ ba đã được xác định trước đó là những đơn vị khai thác độc quyền: nói cách khác, họ có quyền phủ quyết mọi dữ liệu chăm sóc thai sản được ghi lại. Nhưng theo như báo cáo về dự án, cách vận hành như vậy lại có lợi hơn cho môi trường và phù hợp với các quy định về quyền riêng tư. Nhưng đó chẳng phải là toàn bộ những lợi ích của blockchain, để các dự án như trên có thể vận hành mà không cần sự tham gia của các bên thứ ba hay sao? Vậy họ đang làm gì ở đây?
Nếu bạn hỏi tôi, họ đang xây dựng một cơ sở dữ liệu hoàn toàn bình thường, nhưng lại hoạt động cực kỳ kém hiệu quả. Khi bạn đã hiểu rõ tất cả các biệt ngữ, báo cáo sẽ trở thành một bài viết nhàm chán về kiến trúc cơ sở dữ liệu. Họ viết về một thứ sổ cái phân tán (đó là cơ sở dữ liệu được chia sẻ), về các hợp đồng thông minh (đó là một thuật toán) và về bằng chứng thẩm quyền (đó là quyền phủ quyết bất cứ điều gì được nhập vào cơ sở dữ liệu).
Cây Merkle (một cách để tách dữ liệu từ các dấu kiểm tra trên dữ liệu đó) là yếu tố liên quan đến blockchain duy nhất. Và đó là một công nghệ hoàn toàn tốt, chẳng có vấn đề gì với nó cả.
Điều duy nhất là Cây Merkle đã tồn tại từ năm 1979 và đã được sử dụng trong hàng thập kỷ, chẳng hạn như trong Git, một hệ thống kiểm soát phiên bản (được hầu hết các nhà phát triển phần mềm trên thế giới sử dụng). Chúng không phải là món hàng độc quyền của blockchain.
Có tồn tại một thị trường cho những điều thần kỳ, và thị trường đó rất đáng để tâm
Tôi đã nói trước đó: tất cả những chuyện này là một cuộc hành trình kỳ lạ chẳng dẫn đến đâu cả.
Trong khi viết bài này, tôi đã trò chuyện với một trong những nhà phát triển của chúng tôi – Tim Strijdhorst, vốn không biết nhiều về blockchain. Nhưng anh ấy đã mở ra cho tôi một góc nhìn rất khác.
“Tôi là một lập trình viên, vì vậy mọi người xem tôi như một ảo thuật gia” anh nói một cách đầy tự hào. Điều đó vẫn luôn làm anh ngạc nhiên – một pháp sư? Anh ấy hầu như dành một nửa thời gian để gào thét với cái màn hình của mình trong thất vọng, trong khi vẫn tìm cách để cắt dán sửa chữa những tập lệnh PHP lộn xộn cũ kỹ từ nhiều năm trước.
Ý của Tim là ngành công nghệ này cũng giống như phần còn lại của thế giới – một mớ hỗn độn cũ kỹ.
Và đó là điều mà chúng tôi – những người ngoài cuộc, những “phàm nhân”, những người không chuyên về công nghệ – chỉ đơn giản là từ chối chấp nhận. Các ủy viên hội đồng và người quản lý cho rằng các vấn đề – dù lớn và cơ bản đến đâu – cũng biến mất ngay lập tức nhờ công nghệ mà họ đã nghe thấy trong một bản thuyết trình PowerPoint lạ mắt. Công nghệ này sẽ hoạt động như thế nào? Ai quan tâm! Đừng cố gắng hiểu làm gì, chỉ cần ngồi im và hưởng thành quả thôi!
Đây là thị trường đầy nhiệm màu, và thị trường đó lớn, rất lớn. Cho dù đó là về blockchain, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, AI hay các từ hầm bà lằng khó hiểu khác.
Tuy nhiên, kiểu suy nghĩ tích cực thái quá này đôi khi lại rất hữu dụng. Lấy thí nghiệm chăm sóc thai sản làm ví dụ. Được rồi, dự án đó sẽ chẳng đi đến đâu cả. Nhưng Hugo de Kaat từ công ty bảo hiểm VGZ, là một thành viên trong nhóm nghiên cứu, nói rằng “Facet, nhà cung cấp phần mềm lớn nhất trong lĩnh vực chăm sóc thai sản, đã bị đánh động bởi thử nghiệm của chúng tôi”. Họ sẽ tạo ra một ứng dụng tương tự, nhưng loại bỏ đi hết những phần thừa, chỉ còn giữ lại công nghệ cốt lõi.
Và Maarten Velthuijs, liệu anh ấy có thể tạo ra ứng dụng Viện trợ trẻ em tuyệt vời ở trên mà không phủ bức màn blockchain lên nó được không? Không, anh thừa nhận. Nhưng anh ta cũng chẳng chê bai gì về công nghệ này cả. Velthuijs nói: “Hãy nhìn xem, trước khi chúng ta chinh phục bầu trời, mọi thứ cũng không phải lúc nào cũng suôn sẻ. “Lên YouTube mà xem, bạn sẽ thấy video của một người đàn ông nhảy khỏi Tháp Eiffel bằng một chiếc dù tự chế! Vâng, tất nhiên là anh ấy đã chết. Nhưng chúng ta cũng cần những con người như vậy ”.
Vì vậy, nếu Maarten xoay xở để khiến ứng dụng đó làm việc được với blockchain – thật tuyệt! Nhưng nếu anh ta không làm được, cũng chẳng sao cả. Ít nhất là anh ấy, và chúng ta cũng sẽ biết được rằng điều gì hiệu quả và điều gì thì không. Và thị trấn nhỏ kia ít ra cũng có một ứng dụng để khiến cả thế giới phải biết đến tên mình.
Có thể đây là công lao lớn nhất của blockchain tính đến thời điểm hiện tại: là một chiến dịch nâng cao nhận thức, mặc dù là một chiến dịch khá đắt đỏ. “Nâng cao năng lực quản lý hành chính” không phải là một điều khiến người ta chú tâm trong những hội nghị, nhưng “blockchain” và “cách mạng” thì có.
Nhờ tất cả những lời quảng cáo rầm rộ, Maarten đã có thể phát triển ứng dụng Hỗ trợ cho những trẻ em nghèo, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc thai sản bắt đầu có thể ngồi vào bàn và xắn tay áo lên giải quyết vấn đề cũng như nhiều doanh nghiệp và chính quyền địa phương đã được nhắc nhở về việc quản lý dữ liệu một cách hỗn độn của họ.
Vâng, phải mất một vài lời hứa hẹn ngông cuồng, những kế hoạch dở dang, nhưng kết quả là các nhà quản trị giờ đây đã quan tâm đến các chủ đề nhàm chán giúp làm cho thế giới hoạt động hiệu quả hơn một chút – không có gì ngoạn mục ở đây cả, chỉ là tốt hơn một chút thôi.
Điều hay ho nhất mà blockchain mang lại, Matt Levine đã viết, là phần còn lại của thế giới buộc phải “chú ý đến những cải tiến trong công việc hành chính và nghĩ rằng những thứ đó có thể là một cuộc cách mạng”.