Nhiều nhà đầu tư tiền điện tử đã lấy lại hy vọng sau khi thị trường chứng kiến chuyển động giá tích cực từ ngày hôm qua cùng với mức tăng trên thị trường truyền thống.
Ngày xanh trên thị trường diễn ra trong bối cảnh tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng ở Mỹ, đây là một tín hiệu có thể cho thấy “áp lực về tiền lương đã lên đến đỉnh điểm” theo Jamie Cox, đối tác quản lý của Harris Financial Group. Theo Cox, việc tiếp tục xu hướng này có thể dẫn đến các điều kiện tài chính “đủ chặt chẽ để cho phép Fed giảm bớt quy mô tăng lãi suất”.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ tăng điểm vào ngày thứ Năm (7/7) khi Phố Wall nối dài đà tăng khiêm tốn trước khi công bố báo cáo việc làm quan trọng. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones tăng 346 điểm (tương đương 1,12%) lên 31.384 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 1,5% lên 3.902 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite cộng 2,28% lên 11.621 điểm.
S&P 500 đã tăng 4 phiên liên tiếp, ghi nhận chuỗi leo dốc dài nhất từ đầu năm đến nay, theo Bespoke Investment Group.
Năng lượng nằm trong số nhóm cổ phiếu dẫn đầu đà tăng vào ngày thứ Năm, đảo chiều từ sự sụt giảm gần đây khi giá dầu phục hồi.
Cổ phiếu các công ty sản xuất con chip đã thúc đẩy lĩnh vực công nghệ sau khi Samsung của Hàn Quốc công bố lợi nhuận tăng 11% và doanh thu vọt 21% trong giai đoạn gần nhất nhờ doanh số bán con chip nhớ tăng mạnh.
Nasdaq Composite cũng tăng 4 phiên liên tiếp, trong khi Dow Jones tăng 3 phiên trong 4 phiên vừa qua.
Một diễn biến đáng chú ý khác là cổ phiếu Gamestop, leo dốc 15% sau khi nhà bán lẻ trò chơi điện tử cho biết việc chia cổ phiếu theo tỷ lệ 4:1 đã được Hội đồng quản trị thông qua.
Ngay cả với đà tăng gần đây, S&P 500 vẫn giảm 19% so với mức cao mọi thời đại ghi nhận được hồi tháng 01/2022.
Về mặt kinh tế, số người lần đầu và tiếp tục nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đều tăng nhẹ trong tuần trước. Thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 5 cao hơn một chút so với dự kiến, ở mức 85,5 tỷ USD nhưng vẫn giảm so với tháng trước.
Báo cáo việc làm định kỳ hàng tháng của Bộ Lao động Mỹ dự kiến công bố vào hôm nay, và dữ liệu việc làm có thể được xem xét kỹ lưỡng hơn khi nhà đầu tư cố gắng đánh giá sức khoẻ nền kinh tế Mỹ.
Giá dầu cũng khởi sắc vào thứ Năm, phục hồi từ mức giảm sâu trong 2 phiên trước đó, khi nhà đầu tư quay trở lại tập trung vào tình trạng khan hiếm nguồn cung bất chấp lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu. Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng dầu Brent tiến 3,9% lên 104 USD/thùng trong khi hợp đồng dầu WTI cộng 4,26% lên 102 USD/thùng. Giá dầu đã lao dốc trong vài tuần qua do nhà đầu tư lo ngại rằng suy thoái kinh tế mạnh có thể làm giảm nhu cầu hàng hoá.
Cùng ngày, giá vàng tăng nhẹ khi động lực của đồng USD chững lại đã khuyến khích một số nhà đầu tư săn món hời sau 2 phiên giá vàng giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 9 tháng. Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng vàng giao ngay nhích 0,1% lên 1.740 USD/oz trong khi hợp đồng tương lai tiến 0,2% lên 1.739 USD/oz.
Đồng USD nổi lên là một kênh trú ẩn an toàn được ưa thích trong bối cảnh lo ngại về suy thoái ngày càng tăng và đã tiến lên mức cao nhất trong gần 2 thập kỷ trong phiên trước đó trước khi suy yếu vào ngày thứ Năm.
Vào ngày 07/07, biên bản cuộc họp tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy tình hình lạm phát xấu đi và lo ngại về khả năng kiềm chế của ngân hàng trung ương đã thúc đẩy lãi suất Mỹ tăng mạnh nhất trong gần 3 thập kỷ.
Bitcoin và altcoin
Dữ liệu từ TradingView cho thấy sau khi giao dịch gần 20.400 đô la trong phần lớn thời gian trong ngày vào ngày 7 tháng 7, giá Bitcoin đã tăng vọt gần 10% để đạt mức cao nhất hàng ngày là 22.510 đô la trước khi thoái lui về mức hiện tại.
Người dùng Twitter “Roman” đã đăng biểu đồ sau lưu ý rằng “nhiều người đang trở nên hưng phấn và tăng giá khi BTC lặp lại các mẫu nến tương tự trong 8 tháng qua.”
Theo quan điểm của Roman, đây chỉ là sự kiện mới nhất trong một loạt các vụ fakeout sẽ đánh lừa rất nhiều trader tin rằng đáy đã xuất hiện trong khi trên thực tế, xu hướng vẫn là tiêu cực.
“Khối lượng giảm trong một phạm vi là sự củng cố để tiếp tục xu hướng. Chưa kể hàng nghìn dòng tiền đổ vào sàn giao dịch trước mỗi lần lên đỉnh”.
Một trader khác có quan điểm rằng xu hướng vẫn hoàn toàn tiêu cực là người dùng Twitter “Gilberto”, người đã cung cấp biểu đồ sau lưu ý rằng giá Bitcoin gần đây đã thoát ra khỏi sự hình thành cờ hiệu.
“Tăng trên 23k đô la, hiện tại xu hướng hàng ngày vẫn đang giảm.”
Trong khi đó, nhà phân tích thị trường Crypto Tony đã đăng biểu đồ sau đây phác thảo “trường hợp xấu nhất” có thể thấy BTC chạm đáy gần 12.000 đô la.
“Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy sự khởi đầu của xung lực tiếp theo cho đến cuối năm sau và một đỉnh tăng giá mới cho đến năm 2024 – 2025. Tôi đã nhập vị thế ở mức 22-24k đô la và sẽ tăng thêm nếu giá giảm xuống còn 17 – 15k đô la.”
Trong khi đó, altcoin vẫn duy trì dấu hiệu khởi sắc với toàn bộ altcoin trong top 100 đang trong màu xanh. Đạt mức lợi nhuận lớn nhất trong ngày là AAVE với mức tăng gần 20% và đánh dấu mức lợi nhuận hàng tuần tới 28%. Động lực của AAVE có thể đến từ việc mạng lưới này tung ra GHO – một stablecoin phi tập trung được neo vào USD và sẽ do cộng đồng Aave DAO quản lý.
Các altcoin đạt mức tăng hai chữ số khác là IOTX (+14,5%), ICP (+12,7%), MATIC (+11,3%) và NEO (+10,8%).
Trong top 10 coin hàng đầu, altcoin lớn nhất ETH đã leo lên khu vực giữa $1.200 với mức tăng gần 7% trong ngày và tăng hơn 15% trong tuần.
Trong khi đó, chỉ số Sợ hãi và tham lam tiền điện tử – đo lường tâm lý nhà đầu tư – hiện đã tăng hai bậc từ 18 của ngày hôm qua lên mức 20 vào thời điểm viết bài. Dẫu vậy, tâm lý chung vẫn là sợ hãi tột độ.