Không có gì ngạc nhiên khi nói rằng tiền điện tử đang làm điên đảo thế giới. Với một bộ phận kha khá dân số đầu tư vào thế giới này, crypto đang dần trở thành phương thức thanh toán chính thống. Tuy nhiên, cùng với sự chấp nhận toàn cầu, tần suất lừa đảo đang tăng đến mức đáng báo động. Theo một báo cáo của Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC), hơn 46.000 người dân nước này bị lừa hơn 1 tỷ đô la giá trị các loại coin vào năm 2021 – nhiều hơn mọi phương thức thanh toán khác.
Các loại tiền điện tử hàng đầu bị mất vào tay những kẻ lừa đảo là Bitcoin, USDT và ETH. Bitcoin xếp hạng cao nhất với 70%, USDT thứ hai với 10% và ETH thứ ba với 9%.
Sở dĩ tệ nạn này phát triển nhanh đến vậy là do tiền kỹ thuật số có các tính năng mà hacker dễ dàng lợi dụng. Đây chính là lý do tại sao các khoản thiệt hại vào năm 2021 gấp gần 60 lần so với năm 2018. Ngoài ra, vì bản chất phân cấp, không có ngân hàng hoặc cơ quan tập trung nào kiểm tra các giao dịch đáng ngờ và gắn cờ gian lận. Trên thực tế, báo cáo cũng cho thấy vì hầu hết mọi người không quen với cách hoạt động của loại tài sản mới này nên họ dễ dàng trở thành con mồi của hacker.
Cũng theo đó, phương tiện truyền thông xã hội kết hợp với tiền điện tử càng nguy hiểm hơn. Phần lớn những người mất tiền vì lừa đảo vào năm 2021 nói rằng họ đã trả lời một quảng cáo, bài đăng hoặc tin nhắn trên nền tảng truyền thông xã hội. Trong số các nền tảng xã hội, Instagram được bình chọn là nền tảng xuất hiện nhiều vụ gian lận nhất với 32%, Facebook đứng thứ hai với 26%, WhatsApp thứ ba với 9% và Telegram thứ tư với 7%.
50 sắc thái của những kẻ lừa đảo
Kể từ năm 2021, các vụ gian lận được báo cáo cho FTC là cơ hội đầu tư không có thật đã bòn rút 575 triệu đô la. Rất nhiều câu chuyện được chia sẻ có cùng chiêu trò tương tự: lời hứa hão huyền về làm giàu nhanh chóng với kiến thức và kinh nghiệm hạn chế của mọi người. Hầu hết các vụ lừa đảo đầu tư hứa hẹn lợi nhuận khổng lồ trong một khoảng thời gian ngắn. Mọi người cũng cho biết các trang web và ứng dụng này cho phép họ theo dõi tiến trình phát triển của tiền điện tử, nhưng tất cả đều là giả mạo.
Đôi khi, họ cũng được rút một ít tiền thử nghiệm để đảm bảo “làm ăn chân chính” nhưng chỉ để những người nhẹ dạ cả tin đầu tư số tiền lớn hơn.
Loại lừa đảo thứ hai mà mọi người thường mắc phải là lừa đảo tình cảm. Theo báo cáo, tổng cộng 185 triệu đô la đã bị đánh cắp dưới hình thức này kể từ năm 2021. Cụ thể, những kẻ lừa đảo thường khiến mọi người choáng váng bằng sự giàu có và tinh vi của họ trước khi đề nghị giúp họ đầu tư tiền điện tử. Trung bình, một cá nhân bị lừa khoảng 10.000 đô la.
Tiếp theo là các vụ lừa đảo mạo danh doanh nghiệp và chính phủ, với mức thiệt hại khổng lồ là 133 triệu đô la tiền kỹ thuật số kể từ năm 2021. Vụ lừa đảo thường bắt đầu bằng một văn bản về giao dịch mua trái phép trên Amazon, với cửa sổ bật lên trực tuyến trông giống như cảnh báo bảo mật từ Windows. Sau đó, mọi người được thông báo vụ gian lận là rất nghiêm trọng và tiền của họ đang gặp rủi ro.
Đôi khi “ngân hàng” thậm chí còn gọi điện cho khách hàng để cảnh báo họ về điều tương tự.
Con mồi của crypto scam
Nhóm nhân khẩu từ 20-49 tuổi là những người có nhiều khả năng mất token nhất trong các vụ gian lận. Trong đó, thanh niên ở độ tuổi 30 là đối tượng được “quan tâm” nhất với 35% tổng số vụ gian lận được báo cáo là nhắm mục tiêu đến nhóm này vào năm 2021.
Do thiếu phương tiện quản lý, sẽ khá khó khăn để theo dõi crypto scam. Vì vậy, cảnh giác là ưu tiên hàng đầu và nên đầu tư một cách khôn ngoan.